10 dấu hiệu nhận biết trẻ bị táo bón cực đơn giản
Mỗi đứa trẻ có một cơ địa và đặc điểm hệ tiêu hóa khác nhau. Bởi vậy, biểu hiện táo bón của trẻ cũng khác nhau. Nhưng xét trên một điểm chung thì hầu hết trẻ bị táo bón sẽ có số lần đi ngoài dưới 3 lần mỗi tuần. Phân của trẻ cũng không thành khuôn mềm mà cứng, khô, nhỏ như phân dê. Đồng thời, khi quan sát và tiếp xúc với trẻ, cha mẹ sẽ thấy con thường cảm thấy khó chịu, lười ăn. Nhiều trẻ sẽ rất sợ đi cầu, thậm chí là khóc ré lên trong mỗi lần ị.
Táo bón có thể gặp ở mọi độ tuổi, không loại trừ ai, kể cả trẻ sơ sinh. Đặc biệt, khi bước sang giai đoạn ăn dặm và lớn hơn, trẻ dung nạp nhiều thực phẩm hơn thì tình trạng này lại càng phổ biến. Theo thống kê, có tới ¼ trường hợp trẻ bị táo bón trong 1 năm đầu đời. Vậy với những trẻ chưa biết nói thì cha mẹ làm sao biết được con bị táo bón? Hãy căn cứ vào 10 dấu hiệu đơn giản sau đây:
- Trẻ không có nhu cầu đi ị dù đã ăn no bụng, ăn nhiều bữa
- Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng, biếng ăn. Trẻ không cho sờ bụng, bụng sờ cứng.
- Trẻ lo lắng, sợ hãi, khóc khi đi cầu.
- Đi cầu ít hơn 3 lần/ tuần, thậm chí có thể 1 lần/ tuần.
- Phân khô, thành từng cục nhỏ như phân dê.
- Sau mỗi lần đi cầu, trẻ có cảm giác đi chưa hết phân, vẫn khó chịu ở bụng.
- Đau ở hậu môn, trẻ thường kêu “đau đít”.
- Phân có lẫn máu, mùi rất khó chịu.
- Đái rắt, són tiểu.
- Són phân lỏng.
Đối với trẻ sơ sinh, khi bị táo bón, mẹ sẽ thấy con trở nên khó tính hơn. Trẻ có thể quấy khóc vô cớ, suốt ngày nhăn nhó, khó chịu và ngủ không ngon giấc. Nguyên nhân là do trẻ cảm thấy đầy bụng, khó tiêu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ lười ăn hơn, không hấp thu được chất dinh dưỡng và ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng trong những năm đầu đời.
Táo bón có thể là triệu chứng đơn giản nếu chỉ diễn ra trong một vài ngày, không ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe như suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý về hệ tiêu hóa…
Giải pháp nào giúp mẹ cải thiện tình trạng táo bón cho con?
Để chấm dứt tình trạng táo bón ở trẻ, cha mẹ cần nhận biết sớm và có biện pháp phù hợp. Sau đây là một số gợi ý dành cho mẹ:
- Tăng cường bổ sung nước cho trẻ: Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho con bú kết hợp bổ sung thêm nước lọc. Với trẻ lớn hơn thì cần uống đủ nước hàng ngày.
- Sử dụng thực phẩm giàu chất xơ: Với trẻ sơ sinh, mẹ có thể bổ sung chất xơ cho con qua chế độ ăn của chính mình. Trẻ bị táo bón mẹ nên ăn gì? Mẹ nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Với trẻ đã có chế độ ăn riêng, mẹ nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn hàng ngày của con.
- Tích cực vận động: Cha mẹ nên khuyến khích con vận động thường xuyên để giúp trẻ tiêu hao năng lượng và tiêu hóa tốt hơn.
- Massage bụng cho trẻ bị táo bón: Cha mẹ đặt trẻ nằm ngửa trên giường, mát xa bụng cho con theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Mỗi ngày nên thực hiện 2 lần. Mỗi lần 10-15 phút. Có thể kết hợp thêm động tác đạp xe để tăng hiệu quả nhanh hơn.
Trong trường hợp trẻ bị táo bón do sữa công thức không phù hợp thì mẹ cần đổi cho con loại sữa khác. Nếu nguyên nhân táo bón của trẻ là do bệnh lý bẩm sinh thì cần đưa con tới gặp bác sĩ để thăm khám, điều trị theo phác đồ cần thiết. Lưu ý, mẹ không tự ý dùng thuốc xổ hoặc tháo thụt cho con vì có thể ảnh hưởng tới chức năng của hệ tiêu hóa.
Trên đây là 10 dấu hiệu nhận biết trẻ bị táo bón mà cha mẹ cần biết. Chỉ cần nhận biết sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn chặn mọi hậu quả đáng tiếc do táo bón gây ra đối với sức khỏe của trẻ.